Cơn sốt đầu tư ESG lắng xuống ở Phố Wall
Vài năm trước, cộng đồng tài chính Mỹ ở Phố Wall đổ xô đón nhận cơn sốt đầu tư theo chủ đề bền vững, chú trọng tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Giờ đây, các quỹ bền vững đang âm thầm đóng cửa hoặc gạch bỏ tên gọi nhấn mạnh ESG do hiệu suất lợi nhuận kém, khiến giới đầu tư rút hàng tỉ đô la Mỹ.
Nhiều công ty quản lý tài sản ở Mỹ không còn hào hứng với chủ đề đầu tư ESG do hiệu suất lợi nhuận kém cũng như do đối mặt với sự công kích chính trị. Ảnh: Texas Insider
Sự thay đổi trên diễn ra sau khi các cơ quan quản lý ở Mỹ thắt chặt giám sát và môi trường lãi suất cao ảnh hưởng đến cổ phiếu năng lượng sạch, trong khi hoạt động đầu tư theo chủ đề ESG trở thành mục tiêu công kích chính trị.
“Đây thực sự là hậu quả của việc có quá nhiều nhà quản lý tài sản tìm cách kiếm tiền từ nhận thức và nhu cầu đầu tư theo chủ đề ESG ngày càng tăng”, Tony Turisch, Phó Chủ tịch cấp cao của Calamos Investments, bình luận.
Theo Morningstar, quí 3 vừa qua là lần đầu tiên có nhiều quỹ bền vững giải thể hoặc loại bỏ các tiêu chí ESG khỏi hoạt động đầu tư của họ hơn là thêm vào. Đó là sự đảo ngược so với cách đây chưa lâu, khi các công ty quản lý tài sản đua nhau đổi tên các quỹ đang suy yếu để kiếm tiền từ hàng tỉ đô la chảy vào các sản phẩm đầu tư bền vững.
Năm 2021, Công ty quản lý tài sản Hartford Funds đã chèn từ “bền vững” (sustainable) vào quỹ đầu tư trái phiếu cốt lõi của công ty và sau đó chứng kiến các nhà đầu tư rót 100 triệu đô la vào sản phẩm này. Nhưng do quỹ không đạt được mục tiêu hiệu suất lợi nhuận hồi năm ngoái, Hartford Funds đang chuyển hướng.
Hartford Funds cho biết, cuối tháng này, quỹ trái phiếu sẽ được đổi tên lại là Quỹ thu nhập cố định cốt lõi (Core Fixed Income Fund).
Theo dữ liệu do Morningstar và The Wall Street Journal tổng hợp, ít nhất 5 quỹ khác cũng tuyên bố sẽ bỏ chuyên đề đầu tư ESG trong năm nay, trong khi 32 quỹ bền vững khác sẽ đóng cửa.
Theo Morningstar, cơn sốt đầu tư theo chủ đề ESG lắng xuống sau khi các nhà đầu tư rút hơn 14 tỉ đô la khỏi các quỹ bền vững trong năm nay. Các quỹ đầu tư thông thường cũng thua lỗ, nhưng các quỹ đầu tư theo chủ đề khí hậu thậm chí còn thua lỗ nặng nề do bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao và các yếu tố khác.
Ron Rice, Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị của Công ty quản lý đầu tư Pacific Financial, cho biết hồi đầu năm, công ty đã bỏ từ “bền vững” ra khỏi ba quỹ tương hỗ đang nắm giữ 187 triệu đô la. Ngay sau đó, ba quỹ này chứng kiến lượng tài sản tăng lên.
Áp lực chính trị cũng có thể là yếu tố góp phần vào những thay đổi này. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy chỉ trích mạnh mẽ chủ đề đầu tư ESG. Năm ngoái, chính quyền bang Florida cho biết đã rút 2 tỉ đô la khỏi BlackRock, một phần do công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới này ủng hộ chủ đề đầu tư ESG.
“Sử dụng tiền của chúng tôi để tài trợ cho các dự án xã hội của BlackRock không phải là điều mà chính quyền bang Florida nhất trí. Các dự án đó không giúp tối đa hóa lợi nhuận và trái ngược với những gì nhà quản lý tài sản được trả phí để đầu tư thay mặt chúng tôi”, Jimmy Patronis, Giám đốc tài chính của bang Florida, cho biết trong một tuyên bố.
Tính đến tháng 9, ít nhất 20 bang ở Mỹ thông qua luật nhằm ngăn chặn các công ty xem xét yếu tố ESG khi ra quyết định đầu tư.
Đầu tư bền vững ngày càng trở thành xu hướng nổi bật trong thập niên qua, với hàng trăm quỹ đầu tư được thành lập để tập trung vào các công ty tuân thủ các nguyên tắc ESG. Nhưng cách tiếp cận này đã thu hút sự giám sát ngày càng tăng từ các nhà đầu tư tổ chức như quỹ hưu trí khi họ lo ngại, chiến lược ESG có thể không đáp ứng được trách nhiệm đầu tư được ủy thác do có khả năng hy sinh lợi nhuận đầu tư tiềm năng để ủng hộ các tiêu chuẩn ESG.
Các chiến lược ESG cũng ngày càng vấp phải nhiều chỉ trích vì nhắm mắt làm ngơ cho hoạt động “tẩy rửa xanh” (greenwashing). Thuật ngữ này ám chỉ đến việc đưa ra tuyên bố không có cơ sở để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng sản phẩm của một công ty là thân thiện với môi trường hoặc có tác động môi trường tích cực hơn so với thực tế.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại việc tập trung ngày càng nhiều vào đầu tư vào ESG sẽ khiến các quỹ và công ty đưa ra những tuyên bố vô căn cứ, phóng đại tác động tích cực đối với môi trường từ hoạt động kinh doanh của họ.
Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) cũng đang tăng cường giám sát lĩnh vực ESG và gần đây đã áp dụng một quy định để ngăn chặn các quy ước đặt tên gây nhầm lẫn cho các quỹ.
Hồi tháng 9, DWS Investment Management Americas, đơn vị đầu tư của ngân hàng Deutsche Bank (Đức), đồng ý nộp phạt 19 triệu đô la để dàn xếp cuộc điều tra của SEC liên quan đến ‘tẩy rửa xanh’. DWS bị cáo buộc phóng đại dữ liệu ESG trong các quyết định đầu tư.
Vào cuối tháng này, DWS sẽ giải thể một quỹ tương hỗ mà công ty đã gắn mác ESG vào năm 2019. Dù vậy, các quỹ ESG mới vẫn tiếp tục xuất hiện. Năm ngoái, Calamos Investments, có trụ sở ở bang Illinois, thông báo đóng cửa một quỹ đầu tư chứng khoán bền vững trị giá 4 triệu đô la do hiệu suất kém kỳ vọng. Tuy nhiên, đầu năm nay, công ty thành lập hai quỹ ESG mới.
“Dù hiện tại, chủ đề ESG không hoạt động tốt nhưng chúng tôi hy vọng rằng về lâu dài, nó sẽ tăng thêm giá trị cho chiến lược đầu tư”, Tony Turisch, Phó Chủ tịch cấp cao của Calamos Investments, nói.
Lê Linh (Theo WSJ)
TBKTSG