Fed chưa nghĩ về việc cắt giảm lãi suất
Tại cuộc họp gần nhất, các quan chức Fed không phát tín hiệu sẽ sớm giảm lãi suất, nhất là khi lạm phát cao hơn nhiều so với mục tiêu.
Theo biên bản họp tháng 11/2023 vừa công bố vào ngày 21/11, các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) vẫn lo ngại lạm phát có thể “lì lợm” ở mức hiện tại hoặc tăng trở lại, do đó Fed có thể cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ thêm.
Ít nhất các quan chức Fed cho rằng chính sách tiền tệ sẽ cần ở phạm vi “thắt chặt” cho tới khi dữ liệu cho thấy lạm phát đang giảm về mục tiêu 2% một cách thuyết phục.
“Bàn về triển vọng chính sách, các thành viên tiếp tục đánh giá rằng điều quan trọng là phải duy trì chính sách tiền tệ đủ thắt chặt để kéo lạm phát về mục tiêu 2% theo thời gian”, trích từ biên bản họp.
Tuy vậy, các thành viên Fed cũng tin rằng họ cần phải “bước đi cẩn trọng” và đưa ra quyết định “dựa hoàn toàn vào dữ liệu sắp tới và các tác động của chúng tới triển vọng kinh tế cũng như cán cân rủi ro”.
Biên bản họp của Fed được đưa ra trong bối cảnh phần lớn Phố Wall đều tin rằng Fed đã chấm dứt chu kỳ nâng lãi suất.
Các trader dự báo Fed không có khả năng tiếp tục nâng lãi suất và có thể quay đầu giảm lãi suất từ tháng 5/2024. Tính cả thảy, thị trường kỳ vọng Fed sẽ thực hiện 4 đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trước khi kết thúc năm 2024.
Không đề cập tới giảm lãi suất
Tuy vậy, biên bản họp không có tín hiệu nào cho thấy các thành viên Fed đã bắt đầu bàn về thời điểm giảm lãi suất, cũng tương tự với quan điểm của Chủ tịch Jerome Powell trong cuộc họp báo.
“Thật sự thì Ủy ban chưa nghĩ về cắt giảm lãi suất tại thời điểm này”, ông Powell chia sẻ trong cuộc họp báo khi đó.
Lãi suất chuẩn của Fed hiện đang ở phạm vi 5.25%-5.5%, là mức cao nhất trong 22 năm.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thị trường lo ngại về đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Trong cuộc họp, các quan chức cũng bàn luận sôi nổi về vấn đề này.
Tuy vậy, kể từ sau cuộc họp tháng 11/2023, lợi suất trái phiếu đã rút khỏi đỉnh 16 năm khi thị trường dự báo Fed đã chấm dứt nâng lãi suất.
Các quan chức kết luận rằng đà tăng của lợi suất trái phiếu đến chủ yếu từ đà tăng của “phần bù kỳ hạn”, tức mức lợi suất tăng thêm để bù đắp cho rủi ro phải nắm trái phiếu dài hơn. Các thành viên Fed xem đà tăng của phần bù kỳ hạn là kết quả của nguồn cung trái phiếu lớn hơn trong bối cảnh Chính phủ tăng cường phát hành để tài trợ cho thâm hụt ngân sách lớn hơn. Các vấn đề khác cũng gây tác động là lập trường của Fed về chính sách tiền tệ, lạm phát và tăng trưởng.
“Tuy vậy, họ cũng lưu ý rằng cho dù nguồn gốc gây ra đà tăng của lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài đến từ đâu, nếu sự thay đổi của điều kiện tài chính diễn ra trong thời gian dài, điều này có thể ảnh hưởng tới lộ trình chính sách tiền tệ và do đó cần phải được giám sát chặt chẽ”, trích từ biên bản họp.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI