eToro là một nhà môi giới nổi tiếng và sở hữu nền tảng giao dịch khá độc đáo trên thị trường hiện nay. Với sự đánh giá chi tiết và công tâm của mình, Sinvest nhận được rất nhiều câu hỏi về sàn giao dịch này.
Vì vậy, hôm nay Sinvest sẽ thực hiện một bài đánh giá chi tiết về nhà môi giới eToro, giúp bạn giải đáp tất cả những thắc mắc như eToro là gì? Sàn eToro có uy tín không? Chất lượng sản phẩm và dịch vụ của eToro như thế nào?…
Bắt đầu nhé!
1. Giới thiệu về sàn giao dịch eToro
eToro được thành lập vào năm 2007, có trụ sở tại Israel và khởi đầu là một nhà môi giới các sản phẩm ngoại hối. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, hiện nay, eToro đã mở rộng các dịch vụ của mình cho cả các sản phẩm tiền điện tử, hàng hóa hay cổ phiếu…v.v.
eToro định vị mình không chỉ là một nhà môi giới mà còn là một công ty công nghệ. Trong những phần giới thiệu về mình, eToro luôn nói họ là “Nền tảng giao dịch mạng xã hội hàng đầu thế giới”.
Quả thật như vậy, eToro sở hữu nền tảng giao dịch mạng xã hội cưc kỳ lớn với số lượng thành viên đến từ khắp nơi trên thế giới.
Hơn một thập kỷ nay, eToro luôn là một trong những công ty Fintech dẫn đầu trong lĩnh vực đầu tư tài chính.
eToro được người dùng biết đến rất nhiều qua các chiến dịch quảng cáo, đặc biệt là trong lĩnh vực thể thao.
Nếu bạn thường xuyên theo dõi giải bóng đá Ngoại hạng Anh, hẳn bạn sẽ thấy hình ảnh thương hiệu của eToro xuất hiện rất nhiều lần: trong phòng họp báo, trong khu phỏng vấn sau trận đấu, trên bảng điện tử đặt quanh sân vận động hay trên áo thi đấu của các cầu thủ…
Hiện nay eToro đang là nhà tài trợ chính của câu lạc bộ Southampton, ngoài ra nhà môi giới này cũng là đối tác với 6 câu lạc bộ khác bao gồm Tottenham Hotspur, Newcastle United, Crystal Palace, Leicester City, Brighton & Hove Albion và Cardiff City.
Đặc biệt, đây là nhà tài trợ đầu tiên trả tiền cho quan hệ đối tác với Premier League bằng Bitcoin.
2. Các chứng chỉ hoạt động và bảo hiểm cho nhà đầu tư của sàn eToro
2.1. Giấy phép và chứng chỉ hoạt động sàn eToro
eToro sở hữu nhiều thương hiệu con hoạt động tại từng thị trường khác nhau:
- Tại Vương quốc Anh, eToro được quản lý bởi eToro (UK) Ltd, số đăng ký công ty là 7973792. Được ủy quyền và quản lý bởi Cơ quan Kiểm soát Tài chính (FCA), với số tham chiếu công ty là 583263.
- Tại khu vực Châu Âu, eToro được quản lý bởi eToro (Europe) Ltd, một công ty đầu tư Síp (CIF). Số hiệu đăng ký của công ty là HE20058. Công ty được quy định bởi Ủy ban giao dịch chứng khoán Síp (CySEC) với giấy phép số giấy phép CIF #109/10.
- Tại thị trường Úc, thương hiệu eToro được quản lý bởi eToro AUS Capital Pty Ltd. (eToro Australia). Là đơn vị sở hữu Giấy phép Dịch vụ Tài chính Úc (AFSL) 491139, cấp bởi Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc (ASIC), và được quản lý theo Đạo luật Doanh nghiệp (Commonwealth).
- eToro Europe và eToro UK đều hoạt động và tuân thủ theo Chỉ thị về các Công cụ Tài chính (MiFID)
- Ngoài ra, eToro cũng đã đạt được thỏa thuận cung cấp một số dịch vụ tại Hoa Kỳ. eToro USA được vận hành bởi eToro USA LLC, được đăng ký với FinCEN dưới dạng một Doanh nghiệp Dịch vụ Tiền tệ.
MiFID (Chỉ thị về các Công cụ Tài chính thị trường) là một bộ luật của Liên minh Châu Âu cung cấp một quy chế quản lý đồng đều cho các dịch vụ đầu tư hoạt động trên khắp Khu vực Kinh tế Châu Âu. Mục tiêu chính của Chỉ thị là nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo vệ khách hàng của các dịch vụ đầu tư. Các hoạt động và dịch vụ của cả eToro UK và eToro Europe đều tuân thủ các yêu cầu của MiFID. Mọi tài liệu và thủ tục đều tuân thủ các quy tắc của MiFID.
2.2. Chính sách bảo vệ nhà đầu tư của eToro
- Là nhà cung cấp dịch vụ tài chính do FCA quản lý, các thương nhân giao dịch qua cổng eToro (UK) Ltd được bảo vệ theo Chương trình bồi thường dịch vụ tài chính (FSCS).
- Đối với các nhà giao dịch giao dịch qua eToro (Châu Âu) Ltd, tiền của họ được bảo vệ theo Chương trình bồi thường của nhà đầu tư.
- Để đảm bảo an toàn cho tiền của khách hàng và bảo vệ dữ liệu, eToro cũng sử dụng công nghệ mã hóa và hệ thống bảo mật mới nhất để bảo vệ máy chủ của mình khỏi mọi sự xâm nhập.
- Cơ chế Segregated accounts: eToro lưu giữ tiền và tài sản của khách hàng trong các tài khoản riêng biệt để tiền và tài sản của khách hàng luôn tách riêng với tài sản của cty. Việc tách biệt tài khoản này được giám sát trong nội bộ lẫn từ bên ngoài.
- Bảo vệ số dư âm
Khi truy cập vào website của eToro, bạn có thể tìm thấy mọi thông tin được eToro cung cấp một cách đầy đủ và minh bạch liên quan đến nền tảng giao dịch xã hội của mình.
- Tất cả các hồ sơ của đội ngũ lãnh đạo, quản lý đều được công khai, bao gồm cả dữ liệu về kết quả giao dịch của họ.
- eToro không có bất kỳ khoản phí ẩn nào, mọi thứ đều được công bố rõ ràng trên trang web.
- eToro có các thông báo cho khách hàng của mình về những rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải khi tham gia giao dịch. Chẳng hạn như, eToro thông báo rằng khi khách hàng giao dịch tiền điện tử sẽ không được bảo hiểm theo chương trình Bồi thường dịch vụ tài chính và Chương trình quỹ bồi thường của nhà đầu tư.
3. Các loại tài khoản & spread sàn giao dịch eToro
eToro là một Market-Maker và spread mà eToro quy định cao hơn khá nhiều so với các nhà môi giới khác.
Cụ thể, đối với EUR/USD, spread là 3 pips, đối với Vàng, spread là 4.5 pips. Rõ ràng mức chi phí giao dịch của eToro là không hề cạnh tranh so với các nhà môi giới nổi tiếng như ICMarkets, Tickmill, XM hay HotForex.
Các nhà giao dịch lựa chọn eToro phần lớn bởi nền tảng giao dịch mạng xã hội của họ.
Các khách hàng của eToro được phép mở tài khoản theo 2 loại:
- Khách hàng bán lẻ
- Khách hàng chuyên nghiệp
3.1. Khách hàng bán lẻ
Khách hàng bán lẻ có quyền truy cập toàn bộ các sản phẩm giao dịch của eToro, có thể tự giao dịch hoặc copy giao dịch thông qua dịch vụ của eToro.
Theo quy định của Cơ quan Chứng khoán và Thị trường Châu Âu (ESMA), mức đòn bẩy dành cho khách hàng bán lẻ như sau:
- Với các cặp tiền chính (như EUR/USD): 1:30
- Với các cặp chéo, Vàng và các chỉ số chính: 1:20: 1
- Với Hàng hóa: 1:10
- Với cổ phiếu CFD: 1:5
- Với CFD tiền điện tử: 1:2
Mức Stop-Out theo quy định là 50%.
Tuy nhiên khách hàng bán lẻ có lợi thế là sẽ được đảm bảo đầy đủ các chính sách bảo vệ do các tổ chức quản lý của eToro quy định.
3.2. Khách hàng chuyên nghiệp
Để trở thành Khách hàng chuyên nghiệp, bạn cần phải đăng ký với eToro theo mẫu được cung cấp. Bạn cần phải đáp ứng các tiêu chí nhất định, chẳng hạn như khối lượng giao dịch, tần suất giao dịch và kinh nghiệm giao dịch.
Sau khi đăng ký, eToro sẽ xem xét và quyết định liệu bạn có trở thành một Khách hàng chuyên nghiệp của họ hay không.
Khi trở thành Khách hàng chuyên nghiệp, bạn sẽ được phép giao dịch với đòn bẩy lên đến 1:400.
Lưu ý: các Khách hàng Chuyên nghiệp sẽ không được hưởng một số chế tài bảo vệ nhất định của ESMA ví dụ như Quỹ Bồi thường Nhà Đầu tư và Dịch vụ Thanh tra Tài chính.
Ngoài ra, eToro cũng cung cấp tài khoản demo để người dùng luyện tập và làm quen với việc giao dịch cũng như sử dụng các dịch vụ trên eToro.
— — — —
3.3. Các cấp độ tài khoản giao dịch
Đối với các tài khoản của khách hàng, eToro phân chúng thành 5 cấp bậc, bao gồm:
- Cấp độ Bạc
- Cấp độ Vàng
- Cấp độ Platinum
- Cấp độ Platinum+
- Cấp độ Kim cương
Tùy thuộc vào tài khoản của các nhà giao dịch duy trì số dư từ 5k$ đến 250k$ mà eToro sẽ cấp hạng cho các tài khoản đó.
Với các hạng càng cao, người dùng sẽ nhận được lợi ích càng lớn. Chẳng hạn được cấp người quản lý tài khoản chuyên dụng, được chiết khấu phí rút tiền và gửi tiền, được quyền truy cập vào các Private Signals…
4. Nền tảng giao dịch sàn eToro
Không như phần lớn các nhà môi giới khác, eToro sử dụng nền tảng giao dịch do chính họ phát triển trên nền web thay vì sử dụng nền tảng MetaTrader.
Dù các nền tảng giao dịch của eToro là rất tốt, nhưng việc thiếu đi nền tảng MetaTrader – nền tảng giao dịch phổ biến nhất đối với các nhà đầu tư thì đó vẫn là một điểm trừ của eToro.
5. Các sản phẩm được giao dịch trên sàn eToro
Khởi đầu là một nhà môi giới ngoại hối với việc chỉ cung cấp một số lượng hạn chế các cặp tiền tệ, đến thời điểm hiện tại số lượng sản phẩm mà eToro cung cấp đã trở nên cực kỳ đa dạng.
Bên cạnh 47 cặp tiền tệ để giao dịch giao ngay, eToro cũng cung cấp 1.933 CFD bao gồm cả tiền điện tử.
Khi nói đến giao dịch tiền điện tử, eToro được xem là lựa chọn hàng đầu.
Bạn cần lưu ý: Việc giao dịch tiền điện tử cơ bản mà không phải CFD sẽ được giao dịch thông qua eToroX.
6. Dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ khách hàng
Dịch vụ hỗ trợ khách hàng của eToro có thể nói là kém, thật sự kém so với các nhà môi giới khác.
Khá buồn cười khi một nhà môi giới nổi tiếng trên toàn thế giới, có đến hơn 10 triệu người dùng nhưng chúng ta không thể liên hệ được với đội ngũ support của eToro bằng điện thoại.
Ngoài những vấn đề phổ biến của người dùng mà eToro đã liệt kê sẵn thì eToro cho phép người dùng thực hiện livechat hoặc gửi ticket cho đội ngũ support của họ.
Rất tiếc cho cộng đồng Trader Việt Nam vì mặc dù eToro hỗ trợ đến 20 ngôn ngữ trên website của họ nhưng Livechat thì không được hỗ trợ ngôn ngữ Tiếng Việt. Đây rõ ràng là một điểm trừ mà tôi dành cho nhà môi giới này.
7. Các hình thức nạp và rút tiền của sàn giao dịch eToro
Việc nạp rút tiền cũng chưa bao giờ là một yếu tố cạnh tranh của eToro so với các nhà môi giới nổi tiếng khác.
Đa số các sàn giao dịch đều miễn phí nạp và rút tiền, có chăng thì người dùng chỉ phải trả phí cho ngân hàng theo quy định riêng đối với hình thức rút tiền qua thẻ Visa/Master Card, tuy nhiên eToro lại thu phí 25$ cố định cho mỗi lần rút và yêu cầu số tiền rút tối thiểu mỗi lần là 50$.
Điều này gây ra khá nhiều khó khăn cho những nhà đầu tư nhỏ muốn rút những khoản tiền nhỏ nhiều lần.
eToro có những quy định riêng về tiền nạp tối thiểu dành cho khách hàng của từng khu vực khác nhau. Cụ thể:
- Đối với cư dân Úc và Mỹ, mức tiền nạp lần đầu tối thiểu là 50$.
- Đối với cư dân Nga, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Macao, mức tiền nạp lần đầu tối thiểu là 500$.
- Đối với cư dân Israel, số tiền nạp tối thiểu lần đầu là 10.000$.
- Đối với những khách hàng còn lại, mức nạp tối thiểu là 200$.
Lưu ý: Các tài khoản chưa được xác minh bị giới hạn tổng tiền gửi là 2.250$
Rất may mắn là eToro cho phép nạp tiền qua internet banking với 7 ngân hàng lớn tại Việt Nam bao gồm: Vietcombank, DongA Bank, Techcombank, Vietinbank, Eximbank, ACB và BIDV.
Ngoài ra, để thuận tiện cho khách hàng của mình, eToro còn hỗ trợ thêm khá nhiều cổng thanh toán khác như: Paypal, Skrill, Webmoney…
Thời gian xử lý đối với lệnh rút tiền của eToro trong hầu hết trường hợp là 3 ngày làm việc. Nếu bạn cần một nhà môi giới có tốc độ nạp rút nhanh và không thu phí đối với khách hàng, eToro không phải là sự lựa chọn dành cho bạn.
8. Kết luận về sàn eToro
Đối với eToro, có thể nói họ là một nhà môi giới uy tín, được cấp phép và quản lý bởi các tổ chức uy tín hàng đầu thế giới.
Thế mạnh của eToro là nền tảng giao dịch xã hội, nói một cách dễ hiểu là nền tảng mạng xã hội cho tất cả các trader trên toàn thế giới, ở đó mọi người có thể tương tác, trò chuyện, đăng những cảm nhận, đánh giá, phân tích về thị trường.
Mọi người có thể follow, copy những nhà giao dịch có kết quả giao dịch tốt, đó là điểm ăn tiền của eToro so với những nhà môi giới khác.
Nếu bạn là một nhà giao dịch cá nhân muốn giao dịch ngoại hối và tiền điện tử thì eToro không thực sự là lựa chọn phù hợp do chi phí giao dịch quá cao.
Nếu bạn giao dịch cổ phiếu và ETF thì eToro hoàn toàn đáp ứng tốt cho bạn với mức phí rất thấp, thường là dưới 0.5% (Ở một số thị trường ít phổ biến, mức phí có thể sẽ cao hơn đôi chút).
Vậy là tôi đã hoàn thành xong bài đánh giá về nhà môi giới eToro. Qua bài viết này, hy vọng bạn đã hiểu rõ về những đặc điểm, về các sản phẩm và dịch vụ mà eToro cung cấp, từ đó đưa ra những lựa chọn, quyết định sàn giao dịch cho riêng mình.
Tác giả: Sin
BÀI VIẾT GỢI Ý